Môi trường, con người là những vấn đề mà xã hội, chính phủ luôn dành một sự quan tâm đặc biệt để giữ gìn, bảo vệ chúng. Theo đó, doanh nghiệp tham gia các cam kết về môi trường & con người luôn dành được những cái nhìn thiện cảm từ mọi người xung quanh đồng thời cũng chứng minh cho cộng đồng thấy rằng mình có và đã thực hiện tốt trách nhiệm xã hội doanh nghiệp. Vậy trách nhiệm xã hội doanh nghiệp là gì? Doanh nghiệp cần hiểu như thế nào và làm gì để thực hiện tốt, dưới đây Vinacontrol CE Hồ Chí Minh giới thiệu các nội dung liên quan mà Quý bạn đọc có thể tìm hiểu tốt nhất.
Nội Dung Bài Viết
1. Trách nhiệm xã hội – CSR là gì?
Trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp (Corporate Social Responsibility hay CSR) có thể được hiểu là “Cam kết của doanh nghiệp đóng góp cho việc phát triển kinh tế bền vững, thông qua việc tuân thủ chuẩn mực về bảo vệ môi trường, bình đẳng về giới, an toàn lao động, quyền lợi lao động, trả lương công bằng, đào tạo và phát triển nhân viên, phát triển cộng đồng,… theo cách có lợi cho cả doanh nghiệp cũng như phát triển chung của xã hội”.
Các doanh nghiệp có thể thực hiện trách nhiệm xã hội của mình bằng cách đạt một chứng chỉ quốc tế hoặc áp dụng những bộ quy tắc ứng xử (Code of Conduct – COC). Trách nhiệm xã hội là nghĩa vụ mà một doanh nghiệp phải thực hiện đối với xã hội. Có trách nhiệm với xã hội là tăng đến mức tối đa các tác dụng tích cực và giảm tới tối thiểu các hậu quả tiêu cực đối với xã hội.

>>> XEM THÊM: Bảng đơn vị đo độ dài chi tiết và cách quy đổi đơn giản
1.1 Một số khái niệm CSR
Có rất nhiều định nghĩa khác nhau về CSR. Mỗi tổ chức, công ty, chính phủ nhìn nhận CSR dưới những góc độ và quan điểm riêng, phụ thuộc vào điều kiện, đặc điểm và trình độ phát triển của mình.
- Keith Davis (1973) dua ra một khái niệm khá rộng “CSR là sự quan tâm và phản ứng của doanh nghiệp với các vấn đề vượt ra ngoài việc thỏa mãn những yêu cầu pháp lý, kinh tế, công nghệ”.
- Trong khi đó, Carroll (1999) cho rằng CSR còn có phạm vi lớn hơn “là tất cả các vấn đề kinh tế, pháp lý, đạo đức, và những lĩnh vực khác mà xã hội trông đợi ở doanh nghiệp trong mỗi thời điểm nhất định.”
- Theo Marten và Moon (2004): “CSR là một khái niệm chùm bao gồm nhiều khái niệm khác nhu đạo đức kinh doanh, doanh nghiệp làm từ thiện, công dân doanh nghiệp, tính bền vững và trách nhiệm môi trường. Ðó là một khái niệm động và luôn được thử thách trong từng bối cảnh kinh tế, chính trị, xã hội đặc thù.”
1.2 Trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp Việt Nam
Trách nhiệm xã hội doanh nghiệp là phương pháp tiến hành tự nguyện có tầm nhìn về phát triển bền vững, kết hợp xã hội và khả năng cạnh tranh. Khái niệm này bao gồm những tác động liên quan đến xã hội, môi trường và kinh tế.
Bộ luật Lao động, Luật Bảo vệ môi trường và những nghị định hướng dẫn thi hành nhưng doanh nghiệp Việt Nam chưa thể hiện một cách rõ ràng việc thực hành những văn bản pháp quy đó bằng những tiêu chuẩn kiểm định và công bố hiệu quả thực hiện. Ở các nước khác, mối quan tâm của lãnh đạo doanh nghiệp về lao động và môi trường được gom chung vào một khái niệm gọi là trách nhiệm xã hội doanh nghiệp. Các nước Anglo Saxon biểu hiện trách nhiệm xã hội doanh nghiệp với khái niệm PPP bao gồm ba lĩnh vực: con người (people), hành tinh (planet) và lợi nhuận (profit).
Trong quy chế và tiêu chí xét thưởng của Giải thưởng trách nhiệm xã hội doanh nghiệp năm 2009, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) giới hạn trách nhiệm xã hội doanh nghiệp ở hai lĩnh vực lao động và môi trường nhưng cũng đặt thêm tiêu chí “hoạt động kinh doanh có hiệu quả kinh tế”. Nói một cách khác, VCCI cũng dùng khái niệm PPP như đa số các tổ chức và doanh nghiệp quốc tế.

>>> XEM THÊM: Tiêu chuẩn cơ sở là gì? Xây dựng quy trình chi tiết
2. Các khía cạnh của trách nhiệm xã hội.
Nhiều lãnh đạo của doanh nghiệp cho rằng, trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp là tham gia vào các chương trình trợ giúp các đối tượng xã hội như hỗ trợ người tàn tật, trẻ em mồ côi, xây dựng nhà tình nghĩa, ủng hộ đồng bào lũ lụt và thiên tai… Điều đó là đúng nhưng chưa đủ. Mặc dù các hoạt động xã hội là một phần quan trọng nhưng quan trọng hơn, một doanh nghiệp phải dự đoán được và đo lường được những tác động về xã hội và môi trường hoạt động của doanh nghiệp và phát triển những chính sách làm giảm bớt những tác động tiêu cực.
Trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp còn là cam kết của doanh nghiệp đóng góp vào sự phát triển kinh tế bền vững, hợp tác cùng người lao động, gia đình họ, cộng đồng và xã hội nói chung để cải thiện chất lượng cuộc sống cho họ sao cho vừa tốt cho doanh nghiệp vừa ích lợi cho phát triển.
Trách nhiệm xã hội bao gồm 3 khía cạnh: kinh tế, pháp lý, đạo đức.
► Khía cạnh kinh tế
Khía cạnh kinh tế trong trách nhiệm xã hội của một doanh nghiệp là phải sản xuất hàng hóa và dịch vụ mà xã hội cần và muốn với một mức giá có thể duy trì doanh nghiệp ấy và làm thỏa mãn nghĩa vụ của doanh nghiệp với các nhà đầu tư; là tìm kiếm nguồn cung ứng lao động, phát hiện những nguồn tài nguyên mới, thúc đẩy tiến bộ công nghệ, phát triển sản phẩm; là phân phối các nguồn sản xuất như hàng hoá và dịch vụ như thế nào trong hệ thống xã hội.
Trong khi thực hiện các công việc này, các doanh nghiệp thực sự góp phần vào tăng thêm phúc lợi cho xã hội, đảm bảo sự tồn tại và phát triển của doanh nghiệp.
- Đối với người lao động, khía cạnh kinh tế của doanh nghiệp là tạo công ăn việc làm với mức thù lao xứng đáng cơ hội việc làm như nhau, cơ hội phát triển nghề và chuyên môn, hưởng thù lao tương xứng, hưởng môi trường lao động an toàn, vệ sinh và đảm bảo quyền riêng tư, cá nhân ở nơi làm việc.
- Đối với người tiêu dùng, trách nhiệm kinh tế của doanh nghiệp là cung cấp hàng hoá và dịch vụ, trách nhiệm kinh tế của doanh nghiệp còn liên quan đến vấn đề về chất lượng, an toàn sản phẩm, định giá, thông tin về sản phẩm (quảng cáo), phân phối, bán hàng và cạnh tranh.
Khía cạnh kinh tế trong trách nhiệm xã hội của một doanh nghiệp là cơ sở cho các hoạt động của doanh nghiệp. Phần lớn các nghĩa vụ kinh tế trong kinh doanh đều được thể chế hoá thành các nghĩa vụ pháp lý.
► Khía cạnh pháp lý
Khía cạnh pháp lý trong trách nhiệm xã hội của một doanh nghiệp là doanh nghiệp phải thực hiện đầy đủ những quy định pháp luật. Những điều luật như thế này sẽ điều tiết được cạnh tranh, bảo vệ khách hàng, bảo vệ môi trường, thúc đẩy sự công bằng và an toàn và cung cấp những sáng kiến chống lại những hành vi sai trái. Các nghĩa vụ pháp lý được thể hiện trong luật dân sự và hình sự. Về cơ bản, nghĩa vụ pháp lý bao gồm 5 khía cạnh:
- Điều tiết cạnh tranh
- Bảo vệ người tiêu dùng
- Bảo vệ môi trường
- An toàn và bình đẳng
- Khuyến khích phát hiện và ngăn chặn hành vi sai trái
Thông qua trách nhiệm pháp lý, xã hội buộc các thành viên phải hành động đúng. Các tổ chức không thể tồn tại lâu dài nếu họ không thực hiện trách nhiệm pháp lý của mình.
► Khía cạnh đạo đức
Khía cạnh đạo đức trong trách nhiệm xã hội của một doanh nghiệp là những hành vi và hoạt động mà xã hội mong đợi ở doanh nghiệp nhưng không được quy định trong hệ thống luật pháp, không được thể chế hóa thành luật.
Khía cạnh này liên quan tới những gì các công ty quyết định là đúng, công bằng vượt qua cả những yêu cầu pháp lý khắc nghiệt, nó chỉ những hành vi và hoạt động mà các thành viên của tổ chức, cộng đồng và xã hội mong đợi từ phía các doanh nghiệp dù cho chúng không được quy định một cách cụ thể.
Khía cạnh đạo đức của một doanh nghiệp thường được thể hiện thông qua những nguyên tắc, giá trị đạo đức được tôn trọng trình bày trong bản sứ mệnh và chiến lược của công ty. Thông qua các công bố này, nguyên tắc và giá trị đạo đức trở thành kim chỉ nam cho sự phối hợp hành động của mỗi thành viên trong công ty và với các bên hữu quan.
>>> XEM THÊM: Hồ sơ môi trường | Các loại hồ sơ doanh nghiệp cần thực hiện
3. Lợi ích của trách nhiệm xã hội doanh nghiệp.
- Những doanh nghiệp chú trọng nhiều đến trách nhiệm xã hội cũng là những doanh nghiệp có mức lợi nhuận cao hơn trung bình. kết quả tài chính một doanh nghiệp luôn tỷ lệ thuận với thành tựu về trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp đó.
- Nâng cao giá trị thương hiệu và uy tín của công ty cũng như mở rộng quy mô kinh doanh cũng như làm tăng lợi nhuận cho doanh nghiệp.
- Thu hút nguồn lao động giỏi, có năng lực nhằm tăng năng suất, hiệu quả của hoạt động sản xuất kinh doanh và tạo ra các sản phẩm có chất lượng tốt. Ngoài ra, thực hiện tốt trách nhiệm xã hội còn giúp doanh nghiệp giữ chân được những nhân viên có chuyên môn.
- Giúp doanh nghiệp thực hiện hiệu quả hoạt động quản lý trong công ty và các trách nhiệm khác trong xã hội.
- Đảm bảo sự phát triển ổn định, bền vững của doanh nghiệp.
- Được hưởng các ưu đãi trong hoạt động kinh doanh từ nhà nước như: ưu đãi về thuế quan, ưu đãi về việc thuê đất, sử dụng đất,…

4. Những tiêu chuẩn và công cụ quản lý trách nhiệm xã hội.
Trách nhiệm của doanh nghiệp đối với người lao động và đối với môi trường đơn giản chỉ là những vấn đề chất lượng tương tự như chất lượng sản phẩm mà các doanh nghiệp đã quen thuộc: chất lượng lao động và chất lượng đời sống. Ở những nước châu Âu, người ta có khái niệm QSE (quality safety environment, chất lượng – an toàn lao động – môi trường). Mục đích là mở rộng chính sách quản lý doanh nghiệp vượt khỏi khái niệm chất lượng để bao hàm thêm trách nhiệm xã hội, mở rộng sổ tay chất lượng (Quality Manual) thành sổ tay QSE (QSE Manual) và chứng nhận doanh nghiệp cùng một lúc theo cả ba tiêu chuẩn chất lượng, an toàn lao động và môi trường. Thực hiện đầy đủ cùng lúc ba chính sách này sẽ có thêm hiệu ứng hỗ trợ và giảm chi phí so với thực hiện riêng lẻ mỗi chính sách.
Các tiêu chuẩn và công cụ về chất lượng và môi trường hiện nay: ISO (International Organization for Standardization, Tổ chức Tiêu chuẩn hóa quốc tế) đã công bố bộ tiêu chuẩn ISO 9000 về hệ thống quản lý chất lượng và ISO 14000 về hệ thống quản lý môi trường. Hai tiểu ban của ISO chuyên về các bộ tiêu chuẩn này đã thống nhất những phương pháp thực hành tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp thiết lập một chính sách toàn bộ chung cho cả hai hệ thống quản lý chất lượng và môi trường.
Về khía cạnh quản lý nhân lực, vấn đề này phức tạp vì không phải là một vấn đề kỹ thuật. Mỗi quốc gia có quan niệm khác nhau:
- An toàn lao động là trách nhiệm cá nhân hay là trách nhiệm tập thể,
- Quyền lợi tối thiểu của người lao động về nhân phẩm và tính dân chủ do phía thuê lao động tự nguyện ban cho hay phải theo quy định của nhà nước và thương lượng tập thể.
Tại Việt Nam, an toàn lao động được coi là nghĩa vụ của cả cá nhân và tổ chức cũng như các quy định về quyền lợi của người lao động theo quy định tại Luật an toàn vệ sinh lao động và Luật lao động.
Dưới đây là những tiêu chuẩn có thể dùng làm cơ sở để chứng nhận một doanh nghiệp: Các tiêu chuẩn của ILO (International Labor Organization, Tổ chức Lao động quốc tế), ISO 9001 về hệ thống quản lý chất lượng, ISO 14001 về hệ thống quản lý môi trường, OHSAS 8001 hay ISO 45001 về an toàn lao động, và SA 8000 về quản lý nhân sự.Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng đã dịch sang tiếng Việt các bộ tiêu chuẩn ISO 9001 và ISO 14001
Ngoài ra có một số tài liệu hướng dẫn cách trình bày một báo cáo về trách nhiệm xã hội như là GRI (Global Reporting Initiative, khởi đầu báo cáo toàn diện) hay AA1000 Asurance Standard của ISEA (Institute of Social and Ethical Accountability, Viện Trách nhiệm xã hội và đạo đức).

Trên đây là toàn bộ thông tin về trách nhiệm xã hội. Hy vọng những thông tin mà Vinacontrol CE Hồ Chí Minh vừa cung cấp sẽ giúp Doanh nghiệp có các phương án hoàn thành trách nhiệm của mình tốt nhất!
>>> XEM THÊM CÁC BÀI VIẾT LIÊN QUAN:
- Tiêu chuẩn ISO 26000 | Nâng cao trách nhiệm xã hội
- HSE là gì? Hướng dẫn cách quản lý HSE trong Doanh nghiệp
Tin tức liên quan
Ứng dụng biểu đồ Pareto hiệu quả trong quản trị chất lượng
Flowchart là gì? 6 Nguyên tắc cốt lõi khi xây dựng Flowchart
Biểu đồ phân tán trong quản lý chất lượng và 5 Lưu ý quan trọng
ISO 9000 là gì? Định nghĩa và các nội dung chính của tiêu chuẩn
ISO 9001 là gì? Tìm hiểu bản chất và yêu cầu của tiêu chuẩn
PDCA là gì? Mô hình PDCA trong hệ thống quản lý chất lượng